Page 32 - Lịch sử đảng bộ Tuyên Quang 1945 - 1970
P. 32
cách mạng ngày càng cao, bọn phản động không giám tiếp tục khủng bố phong
trào, điều đó đã củng cố lòng tin của quần chúng đối với Mặt trận Việt Minh,
hăng hái gia nhập và hoạt động tích cực trong các tổ chức cứu quốc.
Cuối năm 1944, Chiến tranh thế giới thứ II biến chuyển theo chiều hướng
có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc. Tình thế trực tiếp của cách mạng Việt
Nam ngày càng đến gần. Đáp ứng yêu cầu cấp bách là phải tăng cường đội ngũ
cán bộ lãnh đạo cho phong trào cách mạng, Trung ương chủ trương giải phóng
các cán bộ, đảng viên đang bị giam cầm trong các nhà tù của đế quốc. Thực hiện
chủ trương đó, ngày 11-10-1944, cuộc vượt ngục của 12 tù chính trị ở nhà tù
Chợ Chu (Bắc Thái) đã được tổ chức thành công. Hầu hết các đồng chí được bổ
sung cho phân khu Nguyễn Huệ (gồm có các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu,
Nguyễn Công Bình, Trần Thế Môn, Lê Hiến Mai, Chu Quý Lương, Lê Trung
Đình...), lấy Tuyên Quang làm địa bàn hoạt động trọng yếu. Được tăng cường
đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng và dày dặn kinh nghiệm, phong trào cách mạng
ở Tuyên Quang và các tỉnh Bắc Thái, Yên Bái, Hà Giang, Vĩnh Phú... phát triển
mạnh mẽ và đều khắp. Đồng thời với quá trình củng cố và mở rộng cơ sở cách
mạng, các tổ chức Việt Minh, đội tự vệ, du kích được thành lập, công tác sắm vũ
khí, luyện tập quân sự được tiến hành khẩn trương.
Tháng 11-1944, Ban lãnh đạo phân khu Nguyễn Huệ tổ chức hội nghị ở
Phượng Liễn để kiểm tra tình hình, phân công địa bàn hoạt động và ra báo Bắc
Sơn. Tháng 12-1944, cuộc họp của Ban lãnh đạo chiến khu Hoàng Hoa Thám
cũng diễn ra tại Phượng Liễn, quyết định: mở rộng địa bàn hoạt động, chon
Thanh La – Ao Búc làm trung tâm của căn cứ cách mạng, phát động phong trào
quần chúng, chuẩn bị lực lượng khi có thời cơ nhanh chóng tiến hành khởi
nghĩa. Tại hội nghị này, đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Tuyên Quang
được thành lập. Một cuộc triển lãm tranh ảnh, cờ Việt Minh đã được tổ chức gây
ảnh hưởng rất lớn trong vùng.
Cuối năm 1944, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra ở Thâm Muồi (xã Thanh
La – Sơn Dương) nhằm phát động khí thế đấu tranh của quần chúng.
Đầu năm 1945, bọn phản động tay sai đế quốc đem lính đến đàn áp phong
trào. Ban chỉ huy Cứu quốc quân tổ chức cuộc mít tinh thu hút hầu hết nhân dân
địa phương chống lại sự khủng bố của địch. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ
của đồng bào các dân tộc, bọn địch buộc phải hủy bỏ cuộc càn quét vào khu căn
cứ.
Tình hình đó cho thấy, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang cũng như
trong cả nước đã phát triển đến đỉnh cao, bão táp cách mạng đã áp đảo chính
quyền của giai cấp thống trị đang trong tình trạng hoang mang, rệu rã cao độ...
Điều kiện cho cuộc cách mạng giải phóng đang chín muồi, phong trào đấu tranh
của nhân dân tỉnh ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng đón
thời cơ để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh.
32